Không chỉ katana, đây là cả một chân trời rộng lớn về thứ mà người Nhật Bản tự hào. Kiếm Nhật (日本刀 – nihontō) là tên gọi chung của một số loại kiếm truyền thống được rèn tại Nhật Bản. Xuất hiện đầu tiên vào thời Yayoi (1000 trước công nguyên – 300 sau công nguyên) là kiếm đồng. Sau đó phát triển và được biết đến rộng rãi toàn thế giới là những thanh kiếm cong thời Heian (794 – 1185). Cùng Na đi tìm hiểu về chúng nhé.
Mục lục
Các loại kiếm Nhật
Phân loại theo hình dáng và cách dùng

Hiện nay, thanh kiếm nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là thanh katana dáng shinogi-zukuri. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng tất cả kiếm của Nhật Bản được gọi là katana. Nhưng chúng có nhiều loại hơn thế, được phân biệt như sau:
Kiếm
Tsurugi/Ken (剣, “kiếm”): Thanh kiếm hai lưỡi thẳng chủ yếu được sản xuất trước thế kỷ X. Sau đó hoàn toàn biến mất với vai trò vũ khí. Chúng chỉ còn xuất hiện như lễ vật trong các đền thờ Thần đạo hay chùa Phật giáo.

Chokutō (直刀, “kiếm thẳng”): Thanh kiếm một lưỡi thẳng chủ yếu được sản xuất trước thế kỷ X. Sau đó hoàn toàn biến mất với vai trò vũ khí. Chúng chỉ còn xuất hiện như lễ vật trong các đền thờ Thần đạo hay chùa Phật giáo.

Tachi (太刀, “kiếm dài”): Thanh kiếm thường dài hơn và cong hơn katana sau này. Tachi được đeo lơ lửng bên người với cạnh hướng xuống. Chúng thịnh hành trước thế kỷ XV.

Kodachi (小太刀, “Tachi nhỏ”): Phiên bản ngắn hơn của tachi với mục đích sử dụng tương tự. Chúng là loại kiếm Nhật chủ yếu được tìm thấy vào thế kỷ XIII.

Ōdachi (大太刀, “Tachi lớn”)/Nodachi (野太刀, “Tachi hoang dã”): Phiên bản Tachi rất lớn, có thể dài hơn 90cm. Chúng hay được sử dụng vào cuối thế kỷ XIV.

Nagamaki (長巻, “cuốn dài”): Thanh kiếm có tay cầm rất dài, thường dài bằng lưỡi kiếm. Tên của chúng nhắc đến phần vải bọc tay cầm rất dài.

Uchigatana (打刀, “thanh kiếm nổi bật”): Thanh kiếm có lưỡi cong, dài hơn 60cm (thường là dưới 90cm). Chúng được đeo bên trong thắt lưng obi với cạnh hướng lên. Nó được phát triển từ sasuga, một loại tanto, vào khoảng thế kỷ XIV. Sau đó chúng trở nên phổ biến hơn và thay thế tachi từ thế kỷ XV.
Wakizashi (脇差, thanh kiếm chèn bên): Thanh kiếm dài khoảng 30-60cm, chủ yếu được chế tạo sau năm 1600. Nó là lưỡi kiếm ngắn đi kèm với katana. Cái tên được đặt do nó kẹt ở bên cạnh người bên trong thắt lưng obi.

Tanto (短刀, “lưỡi ngắn”): Thanh kiếm có lưỡi ngắn hơn 30cm. Tantō được phân loại là kiếm nhưng cách sử dụng giống như con dao, đa phần là có một lưỡi. Tanto hiện nay là loại kiếm Nhật duy nhất Phúc Sen rèn được vì nó ngắn và sử dụng như dao.

Vũ khí khác
Một số loại vũ khí khác được rèn theo cách truyền thống giống kiếm Nhật, dù không phải kiếm nhưng vẫn gọi là nihontō.
Naginata (なぎなた, 薙刀): Hơi giống trường đao của Trung Quốc với cán dài và lưỡi kiếm cong một lưỡi. Chúng được phân biệt so với nagamaki là phần cán dài hơn và không được quấn vải.

Yari (槍, “giáo”): Cũng là vũ khí cán dài nhưng có nhiều dạng lưỡi hơn so với naginata. Chúng có thể có một hoặc ba lưỡi, lưỡi chính thẳng và thường nhỏ hơn naginata. Lưỡi phụ có thể đối xứng hoặc không đối xứng.

Một số vũ khí hoặc công cụ khác được rèn theo phương pháp rèn kiếm không được kể đến như đầu mũi tên hay con dao nhỏ (kogatana).
Phân loại theo thời kỳ
Kiếm Nhật được phân loại theo thời điểm mà nó được rèn như sau:
- Jōkotō (上古刀 “kiếm cổ”): cho đến khoảng năm 900 sau Công nguyên
- Kotō (古刀”kiếm cũ”): từ khoảng năm 900–1596
- Shintō (新刀 “kiếm mới”): 1596–1780
- Shinshintō (新々刀, “tân kiếm mới”): 1781–1876
- Gendaitō (現代刀, “kiếm hiện đại”): 1876 – nay
Lưỡi kiếm được coi là lý tưởng nhất trong lịch sử Nhật Bản là koto trong thời kỳ Kamakura. Các thợ rèn kiếm từ thời Edo cho đến ngày nay vẫn chỉ tập trung vào việc tái tạo lưỡi kiếm trong thời Kamakura. Hơn 100 thanh kiếm được coi là “Bảo vật quốc gia” có tới 80% thuộc thời Kamakura, và 70% là tachi.
Toàn Nhật Bản hiện nay chỉ còn vài trăm thợ rèn kiếm. Và để giữ gìn chất lượng kiếm Nhật, chính phủ Nhật Bản giới hạn mỗi thợ rèn kiếm chỉ có thể sản xuất tối đa 24 thanh kiếm mỗi năm. Do đó, nhiều thanh kiếm phân phối trên toàn thế giới hiện nay đa phần là hàng kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc.
Cấu tạo kiếm Nhật
Lưỡi kiếm
Mỗi thợ rèn và phương pháp rèn kiếm khác nhau tạo ra các hình dạng lưỡi kiếm khác nhau. Khác biệt rõ rệt ở phần gờ cao chạy dọc thân kiếm, tiếng Nhật là shinogi. Lưỡi kiếm có thể bằng từ cạnh (sống kiếm) đến shinogi, sau đó mỏng dần về phía lưỡi. Hoặc mỏng dần từ cạnh đến shinogi, sau đó vuốt mỏng hơn nữa về phía lưỡi. Thậm chí có nhiều thanh kiếm có shinogi gồ lên dày hơn sống kiếm, sau đó mới vuốt mỏng dần về phía lưỡi. Shinogi càng gần sống kiếm thì lưỡi kiếm càng mỏng và sắc hơn, nhưng yếu hơn.

Hình dạng mũi cũng là đặc điểm quan trọng, và khác biệt theo từng trường phái. Mũi kiếm có thể dài (ōkissaki), trung bình (chūkissaki), ngắn (kokissaki), hoặc thậm chí móc ngược (ikuri-ōkissaki).
Tang kiếm (nakago) là tang toàn phần, đục một lỗ xuyên qua được gọi là mekugi-ana. Lỗ này là lỗ chốt để neo tay cầm (tsuka) bằng một chốt tre nhỏ (mekugi). Trên tang kiếm có chữ ký (mei) đặc trưng của thợ rèn khắc trên đó.
Phụ kiện
Các phụ kiện khác của kiếm thường được làm và trang trí tinh xảo như những tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Một số thành phần cơ bản được kể tên dưới đây:
- Saya (鞘): Bao kiếm bằng gỗ cho lưỡi kiếm, thường là gỗ sơn mài
- Tsuba (鍔 hoặc 鐔): Chắn bảo vệ tay
- Tsuka (柄): Chuôi kiếm, hoặc tay cầm; làm bằng gỗ và bọc trong samegawa
- Sageo (下げ緒): Dây dùng để buộc bao kiếm (saya) vào thắt lưng obi khi đeo

Chiều dài kiếm Nhật
Chiều dài thường được dùng để phân biệt các loại kiếm khác nhau. Đơn vị đo ngày xưa là shaku. Kể từ năm 1891, shaku hiện đại xấp xỉ bằng một foot (11.93 inch), hệ mét là 30.30cm. Shaku trong lịch sử thì dài hơn một chút, khoảng 35.45cm. Do đó, đôi khi có sự nhầm lẫn về chiều dài lưỡi kiếm. Ba loại kiếm chính theo chiều dài như sau:
- Dưới 1 shaku là tanto
- Từ 1-2 shaku là shōtō (wakizashi hoặc kodachi)
- Trên 2 shaku là daitō (kiếm dài như katana hoặc tachi)
Chiều dài được đo bằng một đường thẳng trên sống kiếm từ mũi đến munemachi (phần tiếp giáp lưỡi và tang). Một shoto và một daito đi cùng nhau được gọi là cặp daisho (lớn-nhỏ). Daisho là vũ khí biểu tượng cho những samurai thời Endo – hình tượng samurai được biết đến rộng rãi nhất trên toàn thế giới.
Link tham khảo
Trên đây là một số kiến thức giúp bạn hiểu hơn phần nào về thế giới kiếm Nhật. Tất cả chỉ góp nhặt trên mạng nhưng được cô đọng và trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu. Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu sâu hơn thì có thể tham khảo tại link sau: https://en.wikipedia.org/wiki/Japanese_sword.
Pingback: Tanto và những điều thú vị nên biết | Dao Cao Bằng